hoan thiện 67

Trang chủ » BÀI VIẾT 67 » NGƯỜI BẠN LINH MỤC VỚI VẾT THƯƠNG CỦA CHÚA

NGƯỜI BẠN LINH MỤC VỚI VẾT THƯƠNG CỦA CHÚA

Bổn mạng Lớp Hoan Thiện 67: 8/12 – ĐỨCMẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Thân tặng Một Người Bạn Linh Mục

Cách đây mấy hôm, khi đang theo dõi video ngắn đưa tin về một thánh lễ đặc biệt chiều Thứ bảy 23/4 tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, tình cờ tôi nhìn thấy một người bạn linh mục trong đoàn đồng tế. Vị linh mục ấy hiện đang phục vụ tại Roma, là người bạn cùng niên khóa thời trung học, –bạn vốn tính rất vui vẻ, khiêm hòa và gần gũi với anh em đồng môn. Không hiểu vì sao, dễ chừng đã hơn 3 năm, anh em cùng lớp chúng tôi không ai có tin tức về bạn ấy. Thường, mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau anh em luôn nhắc tới người bạn linh mục dễ mến, ý bâng khuâng không biết bạn ấy nay thế nào, có bình an không. Do đó lúc nầy dù chỉ một thoáng nhìn thấy người bạn linh mục trên mạng “ảo”, nhưng trong tôi tự nhiên dâng trào nhiều cảm xúc vui buồn trái ngược. Tôi rất vui dù chỉ được “gặp” qua hình ảnh, nhưng như thế là cũng đủ để biết bạn mình nay vẫn an lành. Tuy nhiên, niềm vui ấy có pha trộn chút u buồn và thương cảm, vì trước đây bạn ấy khỏe mạnh, tươi vui với phong thái đĩnh đạc và lịch lãm, nay dáng dấp trông gầy đi nhiều và bước đi có vẻ hơi khập khễnh. Hình như người bạn vừa hồi phục sau một cơn bệnh trầm trọng nào đó.

Hôm ấy nhằm vào Chúa Nhật II Phục sinh (Kính Lòng Chúa Thương Xót – 24/4/2022). Phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ là đoạn Tin Mừng Ga 20,19-31 nội dung có chổ Chúa nói với tông đồ Tôma hãy đặt tay vào vết thương của Ngài, đừng cứng lòng tin. Như thế, có thể nói, các thương tích trên thân thể Đức Giêsu là dấu chứng của sự Phục Sinh. Nhưng tại sao Chúa không dùng một dấu chứng nào khác “hoành tráng” hơn để khẳng định Ngài đã sống lại, ví dụ tỏa sáng chói lòa như trên núi Tabôrê hay một sự xuất hiện oai phong giữa cơ binh các thiên thần hầu cận? Phải chăng, với các vết thương trên thân xác phục sinh, Ngài muốn thêm một lần xác định về đường lối nhiệm mầu của Ơn Cứu độ, đó là con đường Tử nạn và Phục sinh. Đây cũng là lời nhắc nhở Kitô hữu chúng ta cần bước đi theo triết lý “chết để sống” lạ lùng ấy (x. Ga 12,24-25) để được sống lại với Chúa. Thêm nữa, với các vết thương, Đức Giêsu mang trên thân xác của Ngài các yếu đuối và thương tích của toàn thể nhân loại. Nói khác đi, các vết thương của Chúa là nơi hội tụ của tất cả các thương tích của con người. Mỗi người chúng ta đều có chổ nơi các vết thương của Chúa; bởi lẽ không ai mà không bị thương tổn xác hồn vì thân phận mong manh tội lỗi. Theo cách đó, những thương tích của con người tất thảy được chữa lành, thánh hóa và sinh ơn ích nhờ các vết thương trên thân thể Chúa Phục sinh. Với người Kitô hữu, các vết thương của Chúa là một mầu nhiệm!

Đây chỉ là cảm nhận cá nhân mà tôi ghi lại để bày tỏ niềm cảm thông với một người bạn. Cá nhân và chủ quan. Tôi không biết những vết thương nào đã khiến bạn tôi sa sút sức khỏe đến thế. Về thể lý hay tinh thần. Thực tế 2 lãnh vực ấy có thể tác động hổ tương; như sự lo lắng gây đau dạ dày, và ngược lại cơn bệnh nan y cũng khiến người ta dễ suy sụp tinh thần. Một điều chắc chắn là các vết thương luôn đeo đẳng và hành hạ con người, mọi người không trừ ai, khác chăng là người nặng kẻ nhẹ, người ít kẻ nhiều. Những vết thương làm suy yếu, thậm chí giết chết con người. Như 5 vết thương giết chết Đức Giêsu.

Chúa Giêsu Phục sinh bảo ông Tôma «Đặt ngón tay vào đây!» (Ga 20,27). Đặt tay vào các vết thương của Chúa là lời mời gọi hiệp thông. Nói nôm na là hãy “nhúng tay vào!”; “nhúng tay vào” nghĩa là có liên hệ, tham gia, đóng góp và trách nhiệm. Người Kitô hữu cần phải “nhúng tay vào” mầu nhiệm “Năm dấu thánh” nầy. “Nhúng tay vào vết thương của Chúa” trước hết là tìm “chổ” ẩn náu của mình nơi vết thương mầu nhiệm đó; nghĩa là phó dâng cho Chúa mọi khổ đau của tôi và của cả nhân loại để hiệp thông với đau khổ và sự chết của Ngài hầu được nhận lãnh Ơn Cứu độ. “Nhúng tay vào vết thương của Chúa” cũng là nhận lãnh trách nhiệm góp phần xoa dịu các thương tích của nhân loại, như: nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh v.v…; đồng thời bản thân luôn cảnh giác để khỏi rơi vào cám dỗ có tính bản năng muốn “đóng đinh” người khác. “Nhúng tay vào vết thương của Chúa” là, với ơn Chúa, lặp lại lời tha thứ sau cùng của Đức Giêsu trên thánh giá «Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm» (Lc 23,34) đối với những người làm tổn thương chúng ta. Chúa Giêsu tha thứ cho đến chết để đem Ơn Cứu độ cho nhân loại. Người Kitô hữu được mời gọi tha thứ để làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu.

Tin Mừng Gioan viết «Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra» (Ga 19,34). Ngọn giáo đâm sườn thâu tim Đức Giêsu, đó là hình ảnh nói lên Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa dành cho con người. Cha Karl Rahner khi suy niệm về lời cầu xin tha thứ cho kẻ làm hại mình của Đức Giêsu trên thập giá, nói rằng «Những tên lý hình biết rõ họ đang làm gì; điều mà họ không biết đó là họ đã được yêu thương sâu đậm». Mọi vấn đề khổ đau do con người gây nên cho nhau suy cho cùng là do thiếu vắng Tình Yêu.

Trong thực tế, có những vết thương làm cho ta đớn đau đến vỡ tan từng mảnh; những vết thương làm ta kiệt quệ, tê liệt, chỉ muốn xuôi tay; những vết thương làm ta có cảm tưởng như trời đổ sập xuống, chôn vùi mọi sự, phá hủy tan hoang những nẻo đường dẫn đến tương lai. Với con mắt trần tục, những “ngọn giáo thâu tim” như thế ngưởi ta gọi là vết đâm “cạn tàu ráo máng”. “Cạn tàu ráo máng” vì chúng vắt kiệt sinh lực con người tới những giọt máu huyết cuối cùng. “Cạn tàu ráo máng” vì chúng đâm thủng con tim, nghĩa là giết chết tình yêu. “Cạn tàu ráo máng” vì những “ngọn giáo thâu tim” không chỉ làm tổn thương trầm trọng mà còn âm mưu lôi kéo con người vào vòng tròn ma quái của hận thù và xung đột, tước đoạt sự bình an tâm hồn của chúng ta. Với sức con người mong manh yếu đuối, làm sao chúng ta có thể đứng vững trước những nhát đâm “cạn tàu ráo máng” nầy!?  Những giây phút cuối cùng của Đức Giêsu trên thánh giá, khi cảm thấy mình như cô đơn trơ trọi giữa một đám đông hung dữ và vô cảm, Chúa Giêsu cũng đã kêu lên: «Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?» (Mc 15,34). Tuy nhiên, Ngài đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết để cứu độ nhân loại (x. Pl 2,8). Tất cả là vì Tình Yêu! (x. Ga 3,16)

Tình yêu lớn hơn tất cả. Tình yêu bao phủ mọi sự, kể cả sự thù hận, ghét ghen, ích kỷ. Tình yêu đón nhận tất cả, và thánh hóa tất cả. Tình Yêu là khởi thủy, là cùng đích, là vô cùng vô tận. Thánh Phaolô viết «Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được.» (1Cor 13,7-8).

Tha thứ là thuộc tính của tình yêu. Tha thứ giải thoát con người khỏi vòng ‘luân hồi’ ma quái của ghét ghen và thù hận. Tha thứ như đôi cánh nâng con người bay lên cao giữa bầu trời bao la chan hòa nắng ấm của Tình Yêu. Vùng trời của tình yêu cũng là nơi chốn của an bình và tình huynh đệ.

Thành thực mà nói, khi muốn bày tỏ sự cảm thông gần gũi với người bạn linh mục, tôi không thể dùng “lý lẽ” nào khác khả dĩ giúp đem lại sự bình an và đưa chúng ta thoát ra khỏi những phản ứng của thế gian tục lụy, –những phản xạ thù hằn nhấn chìm con người trong bể khổ trầm luân. Không thể có giải pháp và ý nghĩa nào khác ngoài con đường của Tin Mừng Tình Yêu!

Sau cùng và trên tất cả, thực lòng tôi rất vui mừng đồng thời cảm thấy ngưỡng mộ và tự hào về người bạn của mình, bởi lẽ người linh mục vẫn luôn hiện diện ở đó trong công việc bổn phận của mình, vẫn luôn trung kiên và cần mẫn phục vụ Giáo Hội. Bền bĩ và xác tín, Người Bạn Linh Mục của chúng tôi vẫn luôn bước đi, với các vết thương, trên con đường mang tên Giêsu tử nạn và phục sinh.

Theo tất cả những ý nghĩa trên, “tầm vóc” của người môn đệ Chúa không phải chỉ được đo bằng những dáng vẻ đẹp đẽ hào nhoáng hay những phụ kiện trang trí xênh xang, hoặc những vị trí cao sang quyền lực. Mà trên hết và cốt lõi, người môn đệ đích thực phải là người khiêm tốn kiên trì bước theo Chúa Giêsu Tử Nạn Và Phục Sinh với Tình Yêu và Niềm Vui Tin Mừng, dù nhiều khi lao đao và mang nhiều thương tích.

Về tình bạn, người ta nói có 4 thứ hạng: 1. Bạn như hoa: sớm nở tối tàn; 2. Bạn như cân: tính toán hơn thiệt, cân đo đong đếm; 3. Bạn như đất: ta có thể tựa vào và tâm sự vui buồn mọi lẽ, như mọi thứ tốt xấu đều xả ra trên đất; 4. Bạn như núi: tựa đỉnh núi cao vươn khỏi tầng mây luôn phản quang ánh nắng huy hoàng, con chim đậu trên đỉnh núi đó chắc chắn cũng được sáng lên nhờ ánh sáng nầy.

Như những con chim đậu trên đỉnh cao tỏa sáng, chúng tôi học được những gương sáng của người bạn linh mục: hy sinh và phục vụ, vui vẻ và khiêm tốn, tinh tế và bao dung, gần gũi và huynh đệ, niềm tin và trung kiên…

Thêm nữa, tôi còn nhớ, bạn ấy là một trong những người khuyến khích anh em lớp chúng tôi thường xuyên gặp gỡ nhau trong bầu khí huynh đệ; là người đề cao vị trí người phụ nữ khi đề nghị các phu nhân cũng phải tham gia sinh hoạt với các ông; là người khéo léo tế nhị nâng đỡ anh em trong khi hoạn nạn…

Tạ ơn Chúa đã thương gìn giữ Người Bạn Linh Mục của chúng tôi.

Chúng tôi rất tự hào về Người Bạn Linh Mục ấy! Người Bạn Linh Mục Với Vết Thương Của Chúa…

Huế, 1-5-2022

LXH


Bình luận về bài viết này